01

12

Chào mừng bạn đến với ĐẠI TỘC NGUYỄN-(LÀNG TRUNG ĐỊNH) - 大族阮-村中定 Xã Hương thuỷ-Huyện Hương Khê-tỉnh Hà tĩnh Đi khắp thế gian không ai tốt bàng mẹ .Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.Nước biển mênh mông không đong dầy tình Mẹ.Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha

LƯỢM LẶT GẦN XA

Hôn nhân cận huyết thống và nỗi lo về chất lượng dân số
02/10/2010

oV0FAr on Make A Gif, Animated Gifs
make animated gifs like this at MakeAGif

Chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ suy giảm. Đói nghèo - dân trí thấp; ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế - sức khỏe sinh sản; đặc biệt là hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ... đang là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này…
Theo các chuyên gia dân số, trong 30 năm qua dân số nước ta đều tăng, tuy nhiên có một số dân tộc đang bị suy giảm dân số, đặc biệt là những dân tộc rất ít người. Hiện, nước ta có 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người là Si La trên 800 người, Pu Péo trên 700 người, Rơ Măm trên 350 người, Brâu trên 300 người, Ơ Đu xấp xỉ 300 người. Không chỉ dân số thấp, mà hằng năm dân số của các dân tộc này tăng rất chậm, chỉ vài người/năm. Chẳng hạn như: dân tộc Si La trong 8 năm chỉ tăng 51 người, dân tộc Brâu trong 4 năm tăng 9 người, dân tộc Rơ Mâm trong 4 năm giảm 20 người...

Tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc ít người cũng đang thấp dần, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 45 tuổi. Người Si La đang có xu hướng nhỏ dần, cân nặng từ 40 - 45kg, chiều cao khoảng 1,45 - 1,60m. Phụ nữ dân tộc Cống chỉ nặng 38 - 42kg và trẻ em sinh ra chỉ đạt trọng lượng từ 1,8 - 2kg. Người Brâu, Rơ Mâm có nhiều dị tật bẩm sinh, lắm bệnh tật, tình trạng sức khỏe kém, tỷ lệ chết cao… Điều đáng quan tâm là không chỉ các dân tộc dưới 1.000 người có nguy cơ suy giảm dân số mà một số tộc người khác cũng như: Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê Đê, Chu Ru... cũng đang có nguy cơ tương tự.

Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân khó khăn về đời sống kinh tế, dân trí thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cùng với những suy nghĩ lạc hậu, sai lầm, thì quan hệ hôn nhân cận huyết thống đang là nguyên nhân cơ bản làm suy giảm chất lượng dân số ở một số dân tộc thiểu số nước ta.

Theo các chuyên gia xã hội học và dân số, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân nội tộc, chỉ những cặp hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng bởi luật tục hoặc tập quán quy định có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Hôn nhân cận huyết thống thường là hôn nhân anh chị em họ chéo - giữa con của anh hoặc em trai với con của chị hoặc em gái. Y học đã chứng minh tác hại của những cặp hôn nhân cận huyết là sẽ sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị tật bẩm sinh.

Ngoài hôn nhân cận huyết thống, nhiều tộc người ở Tây Nguyên còn có hủ tục nối nòi. Tục nối nòi được thể hiện ở chỗ khi vợ hoặc chồng chết, gia đình và dòng họ của người chết phải có nghĩa vụ tìm người thay thế. Các anh em, cô chú bác, chị dâu có thể lấy em chồng khi chồng mất hoặc người chồng có thể lấy cô, bác, chị em vợ khi vợ mất. Hủ tục nối nòi cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống nòi ở nhiều dân tộc thiểu số hiện nay...

Một trong những mục tiêu cơ bản mà ngành Dân số đặt ra trong những năm tới là tập trung nâng cao chất lượng dân số cả về mặt thể chất, trí tuệ và tinh thần, trong đó đặc biệt chú ý đến chất lượng dân số vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người. Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Y tế đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể nâng cao chất lượng dân số Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 trong đó có đề án nâng cao dân số của một số dân tộc có nguy cơ suy giảm.

Năm 2009, Bộ Y tế cũng đã giao cho Tổng cục DS - KHHGĐ là đơn vị thực hiện, triển khai Đề án can thiệp nhằm giảm hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn ở một số dân tộc thiểu số phía Bắc và Tây Nguyên. Đề án đã được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu và Đăk Lăk. Theo nội dung đề án, người dân trong địa bàn triển khai đều được miễn phí các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Khi được phát hiện có vấn đề sức khỏe hoặc cần sự can thiệp sâu hơn, họ sẽ được gửi lên các cơ sở y tế tuyến trên. Công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình và giám sát tại cộng đồng sẽ được ưu tiên với việc xây dựng, tập huấn mạng lưới tuyên truyền viên cho từng nhóm dân tộc, xây dựng tốt mối quan hệ với những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Xây dựng chế tài ở cấp cộng đồng về việc xử lý những trường hợp vi phạm Luật ...

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, đây là mô hình ban đầu mang tính thí điểm, vừa làm, vừa tìm tòi ra một mô hình lý tưởng nhất cho giai đoạn tới. Cho đến nay chưa có đánh giá tổng thể nhưng tại các địa phương triển khai đề án đều có chung nhận định là bước đầu có kết quả tích cực. Trên cơ sở báo cáo kết quả của các địa phương, Tổng cục sẽ tiến hành đánh giá để triển khai mạnh mẽ đề án này trong giai đoạn 2011- 2020.

Như vậy, cùng với việc triển khai những chính sách và giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thì việc nâng cao nhận thức về những tác hại của hôn nhân cận huyết thống; thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ...là việc phải làm thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác này không chỉ của ngành Dân số mà toàn xã hội phải cùng chung tay thực hiện.

Hà Phương

1 nhận xét:

  1. Ta có thể xem một hoạt động của một họ khác theo địa chỉ :(http://tocnguyenvanpt.blogspot.com/p/huong-hoa.html)

    Trả lờiXóa